Khi dư vị Tết vẫn còn đọng lại trên từng ngọn cỏ, nhánh cây, bầu trời tháng Giêng đã bắt đầu giục giã những con người yêu mến Thiên văn quay trở lại thế giới của các vì tinh tú. Chính vì vậy, ExploraScience chúng tôi đã tổ chức một chuyến “dã ngoại” ngắn ngày đến với Gia Lai để thực hiện các buổi quan sát Thiên văn nhằm nâng cao năng lực trong mảng thực hành quan sát Thiên văn học cho đội ngũ nhân viên của ExploraScience. Đồng thời thông qua đó, chúng tôi cũng muốn khảo sát một vài địa điểm ở khu vực ngoài tỉnh Bình Định để tổ chức hoạt động cho công chúng về sau.
Tham gia chuyến đi lần này, ngoài các chuyên gia và nhân viên ExploraScience còn có một vài tình nguyện viên yêu thích Thiên văn đến từ khoa Vật Lý của Đại học Quy Nhơn và một vị khách khá đặc biệt khác nữa. Đó là anh Nguyễn Tuấn – một thành viên của Câu lạc bộ Thiên văn Nghiệp dư Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi xuất phát từ Quy Nhơn vào sáng ngày 15/2 trong sự hào hứng và hăng hái của tất cả mọi người, đâu đó cũng có chút hồi hộp pha lẫn ngại ngùng của một vài thành viên lần đầu tiên được “đi ngắm sao”- như tôi chẳng hạn.
Địa điểm sẽ đặt chân tới đầu tiên theo kế hoạch là tại huyện Kông Chro. Đến đây cũng đã là quá trưa, chúng tôi có khoảng vài giờ nghỉ ngơi trước khi ánh hoàng hôn tắt để theo chân anh Tuấn đến địa điểm ngắm sao đầu tiên. Anh Tuấn tuy không phải là người vùng này nhưng biết khá kỹ các ngóc ngách của huyện. Bởi lẽ, là một người đang làm việc tự do ở thành phố Hồ Chí Minh, anh có quỹ thời gian khá linh hoạt và thường tận dụng chúng để đến đây ngắm sao cho thoả mãn đam mê Thiên văn của mình. Như vậy, nhờ có “thổ địa” dẫn đường mà chúng tôi đã nhanh chóng tìm được khoảng đất trống vô cùng quang đãng, hết sức lí tưởng để thực hiện buổi quan sát. Và cũng may mắn thay, đó lại là một đêm bầu trời trong xanh không gợn chút mây.
Trong khi chúng tôi hí hoáy dựng lều và trải bạt thì các chuyên gia và anh Tuấn bắt đầu lắp ráp các kính Thiên văn, ống nhòm để chuẩn bị cho việc quan sát. Trăng đang lên cao và trời khá sáng khiến một vài chòm sao khó mà nhận diện được. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn có thể quan sát Mặt Trăng và các Thiên hà như M81, M82, M83… thông qua kính thiên văn. Ngoài ra, việc ngắm các chòm sao bằng ống nhòm hoặc bằng mắt thường cũng khá thú vị. Anh Tuấn Anh – chuyên gia của ExploraScience – cầm bút la-ze chỉ lên nền trời cho chúng tôi thấy đâu là chòm Thất Nữ, đâu là chòm Gấu Lớn, Gấu Nhỏ… Nếu sao Bắc Đẩu là một biểu tượng cho phương Bắc thì ở hướng Nam lại có chòm Thập Tự Phương Nam. Với một người vốn không am hiểu nhiều về Thiên văn như tôi thì đến hôm nay mới thật sự hiểu được rằng người xưa đã nhìn lên bầu trời và xác định phương hướng như thế nào!
Vì mỗi người đều có cho riêng mình một chòm sao yêu thích để nhìn ngắm nên sau khi được anh Quân – Giám đốc Kỹ thuật của ExploraScience – hướng dẫn cách sử dụng phần mềm quan sát sao trên điện thoại di động, chúng tôi mỗi người tự đắm chìm vào thế giới của riêng mình và các vì sao. Mãi cho đến khi các ống nhòm bị sương phủ mờ, chúng tôi mới nhận ra rằng sương đã xuống khá dày và trời bắt đầu về khuya. Mọi người quyết định tạm nghỉ chờ Mặt Trăng lặn hẳn để thấy được nhiều sao hơn rồi sẽ tiếp tục quan sát. Dự định là vậy nhưng chỉ vài tiếng sau, tôi và một số bạn tình nguyện viên không ai rủ ai mà kéo nhau đến quấy rầy anh Thuỷ – một chuyên gia kỳ cựu khác của ExploraScience – để được nghe thêm nhiều hơn nữa những mẫu chuyện thú vị về bầu trời và các vì sao. Nhờ vậy mà chúng tôi biết được rằng: Trùng hợp thay, hôm ấy – 15/2 – lại chính là ngày sinh của cha đẻ ngành quan sát Thiên văn học hiện đại – nhà bác học Ga-li-lê. Ông rất nổi tiếng về việc phát hiện ra bốn “Mặt Trăng” của sao Mộc. Nhắc đến đây, anh Thuỷ nhìn về hướng Đông và chỉ về một ngôi sao rất sáng trên bầu trời vào thời điểm ấy. “Đó là sao Mộc!” – Anh nói.  Bên cạnh sao Mộc hôm đó là chòm Bọ Cạp có thể nhìn thấy rất rõ bằng mắt thường. Những người trẻ như chúng tôi thường đọc về các cung hoàng đạo nhưng mãi cho tới hôm nay mới thấy được một trong số chúng bằng mắt thường nên không khỏi suýt xoa. Quả là thật đẹp!
Tiếng ồn của chúng tôi phát ra không mấy chốc đã khiến tất cả mọi người trong đoàn tỉnh ngủ. Tuy nhiên không có bất cứ một ai tức giận và tỏ ra khó chịu, trái lại mọi người vô cùng hào hứng để tham gia tiếp với câu chuyện đang dang dở của chúng tôi. Nhìn về phía Đông thì sao Kim rồi sao Thổ cũng dần xuất hiện. Anh Tuấn lại lụi cụi chỉnh chỉnh kính Thiên văn để tìm sao Mộc, sao Thổ cho chúng tôi quan sát. Mọi người mải mê nói chuyện với nhau mà quên đi cái lạnh mười mấy độ của đất rừng Tây Nguyên cho đến khi đằng Đông hửng đỏ ánh Mặt Trời. Buổi quan sát Thiên văn đầu tiên đã khép lại, chúng tôi dọn dẹp trở về nơi nghỉ.
 
Vào sáng ngày tiếp theo, chúng tôi đã có một cuộc gặp gỡ đặc biệt với anh Hùng – chuyên viên của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kông Chro để trao đổi về những kế hoạch hoạt động với công chúng của ExploraScience trong tương lai. Anh Hùng rất phấn khởi bởi cuộc gặp gỡ và hứa hẹn sẽ hết sức hỗ trợ cho những dự án về sau của ExploraScience tại các trường học trên địa bàn huyện. Sau buổi nói chuyện, ExploraScience cũng rất vui mừng và cảm kích trước sự nhiệt tình của phòng Giáo dục và Đào tạo huyện. Chúng tôi thật sự hy vọng ngày quay trở lại đây để tổ chức các hoạt động ngoại khoá về khoa học cho các em học sinh sẽ không xa.
Tạm biệt Kông Chro, cả đoàn tiếp tục di chuyển đến thành phố Pleiku và bắt đầu cuộc khảo sát để tìm kiếm địa điểm thích hợp cho việc ngắm sao ở đêm tiếp theo. Đã chạng vạng tối mà chúng tôi không thể tìm được một địa điểm nào thích hợp vừa cách trung tâm thành phố không xa vừa khuất khỏi sự ô nhiễm ánh sáng từ thành phố. Để đảm bảo sức khoẻ cho mọi người, chúng tôi đã quyết định sẽ nghỉ ngơi trước.
Những tưởng mọi người ai nấy cũng đều đã thấm mệt nên sẽ không có mặt đầy đủ cho đêm ngắm sao tiếp theo này. Tuy nhiên, trong chúng tôi đã không có ai bỏ cuộc! Ngay giữa đêm, cả đoàn nhanh chóng tập hợp và đã kịp mò mẫm giữa những đường rừng hẻo lánh ở ngoại biên thành phố Pleiku và dừng lại nơi đột nhiên bầu trời trong vắt. Mặt Trăng đã kịp lặn nên những vì sao tha hồ được khoe đua ánh sáng lấp lánh, tuy nhiên thời tiết dường như chống lại chúng tôi bởi sương xuống có vẻ dày hơn cả hôm trước. Chúng tôi, vài người vẻ mặt vẫn còn ngái ngủ, vài người thì chui rúc trong chiếc khăn choàng cổ và chỉ ló ra nửa cái đầu. Nhưng! Các chuyên gia của ExploraScience thì lại vẫn cứ hào hứng như thường! Anh Thuỷ lại bắt đầu lắp đặt các dụng cụ của mình để chụp các góc ảnh yêu thích của trời đêm; anh Tuấn thì vẫn cặm cụi với chiếc kính Thiên văn để tìm sao hoặc các Thiên hà cho mọi người quan sát; ở một góc khác, anh Quân thỉnh thoảng lại cảm thán khi nhìn ra được một chòm sao nào đó mà hôm trước vì trăng quá sáng nên mọi người vẫn chưa xác định được. Còn riêng anh Tuấn Anh thì hôm nay không cầm bút la-ze chỉ chỉ lên nền trời nữa, anh đang đứng ung dung đọc tên một chòm sao nào đó để cho chúng tôi có người gãi đầu gãi tai, cầm bút la-ze chỉ hoài lên nền trời mà vẫn chưa chỉ đúng được! Như thế là chúng tôi bỗng có một trận cười no nê. Và câu chuyện đó về sau trên chuyến xe trở lại Quy Nhơn, trong chúng tôi vẫn có người đem ra nhắc mãi…
Khi buổi quan sát Thiên văn kết thúc, chúng tôi cố nán lại để đón ánh bình minh từ thành phố Pleiku xinh đẹp trước khi quay trở lại phòng để nghỉ ngơi và chuẩn bị lên đường về lại thành phố biển, chào tạm biệt núi đồi Tây Nguyên.

Ảnh Nguyễn Tuấn


Rời Gia Lai trở về Quy Nhơn, với ánh đèn của thành phố nhộn nhịp, các vì sao bỗng chốc bị lãng quên đến tội nghiệp. Thật sự, với cuộc sống bộn bề đầy lo toan này, trong chúng ta, mấy ai lại có thời gian quan tâm đến những vì sao nhỏ bé và xa xôi kia chứ! Và mặc dù vậy, chúng vẫn cứ đáng yêu mà âm thầm toả sáng, tô điểm cho bầu trời của chúng ta được trở nên rực rỡ, lung linh…
Sau chuyến đi này, ExploraScience chúng tôi hy vọng rằng sẽ còn tổ chức được thêm những buổi quan sát Thiên văn khác nữa với quy mô đại trà hơn cho công chúng. Để qua đó, một phần nào, chúng tôi có thể đem những hiểu biết ít ỏi của mình làm ngắn lại khoảng cách từ chúng ta đến những vì tinh tú xa xôi nhưng vẫn dõi theo bước chúng ta mỗi ngày kia.

Leave a Comment

Follow Me

Top Selling Multipurpose WP Theme

Newsletter

Subscribe my Newsletter for new blog posts, tips & new photos. Let's stay updated!

About Me

Lorem ipsum dolor sit amet, consec tetur adipiscing elit. Ut elit tellus dan, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Newsletter

Subscribe my Newsletter for new blog posts, tips & new photos. Let's stay updated!

@2022 u2013 All Right Reserved. Designed and Developed by PenciDesign.