Nằm trong nội dung chương trình của Sự kiện thiên văn cộng động, hoạt động trải nghiệm STEAM thiên văn với chủ đề Hệ Mặt trời được diễn ra vào ngày 24/4/2021 tại Trung tâm Khám phá khoa học. Hoạt động này đã thu hút sự tham gia đông đảo của các bạn học sinh từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông.
Giáo dục STEAM là mô hình giáo dục dựa trên cách tiếp cận liên môn, giúp học sinh áp dụng các kiến thức Khoa học (Science), Công nghệ (Engineering), Kĩ thuật (Technology), Nghệ thuật (Arts) và Toán học (Mathematics) để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống.
Hoạt động trải nghiệm STEAM này gồm 2 hoạt động nhỏ, với các thử thách được đưa ra phù hợp cho các bạn học sinh từng cấp học hoàn thành.
Hệ Mặt trời được tạo bởi Mặt trời và tất cả các vật thể chuyển động quanh nó. Có 8 hành tinh sắp xếp theo thứ tự từ gần đến xa Mặt trời là: Sao Thủy, Sao Kim, Trái đất, Sao Hỏa, Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Thiên Vương, Sao Hải Vương. |
Đối với học sinh cấp 1, thử thách là vẽ (bút lông và màu sáp) các hành tinh gắn trên vòng đội đầu. Các bạn được làm việc theo nhóm để giải quyết vấn đề. Với trí tưởng tượng, sự sáng tạo và hiểu biết của mình về Hệ Mặt trời, các bạn đã tô vẽ các hành tinh trở nên sinh động và thú vị. Sau hoạt động trang trí, các bạn được đóng vai là các hành tinh, tạo thành Hệ Mặt trời và thuyết trình về hành tinh của mình. Một số bạn còn rụt rè khi đứng trước đám đông tuy nhiên tất cả đều hoàn thành bài giới thiệu của mình. Phần thưởng khi hoàn thành thử thách là những chiếc vòng đội đầu xinh xắn do chính các bạn làm ra. Sau hoạt động này, các kiến thức về kích thước của các hành tinh, đặc điểm của các hành tinh và vị trí sắp xếp của chúng trong Hệ Mặt trời trở nên thực tế và gần gũi với các bạn.
Đối với các bạn học sinh cấp 2 và cấp 3, thử thách là tạo ra các hành tinh theo tỉ lệ kích thước cho sẵn và trang trí lên các hành tinh. Các bạn được chia nhóm để hoàn thành thử thách. Các nhóm phải thảo luận và vận dụng các kiến thức về khoa học, công nghệ, kĩ thuật, toán học và nghệ thuật để tính toán kích thước của các hành tinh; chọn các vật liệu như đất nặn, bong bóng để tạo ra các hành tinh đúng với tỉ lệ kích thước đã tính toán; những hành tinh đất đá, hành tinh khí được tô vẽ một cách tỉ mỉ và chăm chút. Sau khi tạo ra các hành tinh, các bạn tính toán tỉ lệ khoảng cách giữa các hành tinh so với Mặt trời và xếp thành Hệ Mặt trời theo đúng tỉ lệ khoảng cách. Các bạn vô cùng ngạc nhiên và thích thú với kích thước vô cùng nhỏ bé của hành tinh so với Mặt trời và khoảng cách vô cùng rộng lớn giữa chúng.
Chỉ với khoảng 45 phút để thực hiện nhưng các bạn học sinh lại được vận dụng linh hoạt nhiều kiến thức để hoàn thành thử thách. Những kiến thức đã học trong nhà trường trở nên hữu ích và thực tế. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của các bạn khi được trực tiếp trải nghiệm và tạo ra những sản phẩm cụ thể sau khi hoàn thành thử thách. Niềm vui của các bạn cũng chính là động lực cho nhân viên Trung tâm Khám phá khoa học để từng bước xây dựng, phát triển và đưa các hoạt động trải nghiệm STEAM đến gần hơn với các bạn học sinh.