Thuộc nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở năm 2020, chuỗi mô hình Rừng và sự sống tại Trung tâm Khám phá khoa học đã được Sở Khoa học và Công nghệ (cơ quan chủ quản) nghiệm thu vào cuối tháng 1/2021.
Ý tưởng cho mô hình này dựa trên tình hình thực tế của nước ta trước những nguy cơ mất rừng. Trong khi đó vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu đang là vấn đề cấp bách không chỉ ở Việt Nam mà còn là của toàn cầu. Vì vậy, việc tăng mức độ hiểu biết và nâng cao nhận thức của công chúng về vai trò của rừng trong việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu là thực sự vô cùng cần thiết.
Theo các kết quả nghiên cứu trong nhiều năm của các nhà khoa học trên thế giới và ở nước ta thì cây xanh có khả năng hấp thụ 50% bụi phóng xạ; quét dọn hơi, bụi độc cùng những cặn bã công nghiệp. Chúng có khả năng hút một số chất độc hại như Cacbonic, Anhidrit, Sunfua, Fuo, Clo, Amoniac và trả lại cho khí quyển nhiều dưỡng khí. Những hàng cây trồng đan xen thành nhiều lớp còn có tác dụng chắn gió, hạn chế sự di chuyển của cát bụi giúp bảo vệ mùa màng, hoa màu, cây trái, bảo vệ nhà cửa, làng mạc thôn xóm chống lại gió bão, hạn chế năng lượng sóng.
Trung tâm Khám phá khoa học đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo chuỗi mô hình Rừng và sự sống. Trong đó gồm 02 poster động về Thực vật và hệ sinh thái, Hãy bảo vệ rừng, mô hình Rừng ngập ngập mặn, mô hình Chống xói mòn đất. Khách tham quan có thể tương tác trực tiếp để thấy được hiệu ứng mà mô hình đem lại. Mỗi mô hình đều tái hiện hai trạng thái hoàn toàn trái ngược nhau, một bên có rừng và một bên không có rừng.
Poster động “Thực vật và hệ sinh thái”
Các mô hình thể hiện những tác dụng và lợi ích của rừng. Khi đó, tác dụng của rừng sẽ điều hòa khí hậu, làm vạn vật sinh sôi nảy nở. Đây là điều kiện cần để sự sống của chúng ta được duy trì.
Rừng là nơi trú ngụ của rất nhiều loài động thực vật quý hiếm, tàng trữ nguồn gen quý và đảm bảo sự đa dạng sinh học trên Trái đất. Mối quan hệ và tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống của mỗi con người là mối quan hệ hữu cơ và không một quốc gia nào phủ nhận điều đó. Thế nhưng, mỗi năm vẫn có những cánh rừng bị phá hủy, nhiều vùng đất trở nên xói mòn không thể cải tạo được nữa. Và Tại Trung tâm, các mô hình này sẽ cho khách tham quan có sự so sánh và cảm nhận mức độ thiệt hại giữa việc có rừng và không có rừng.
Rừng đóng vai trò rất to lớn trong việc ngăn lũ, chống xói mòn, sạt lở đất. Mỗi mùa bão lũ, nước mưa rơi xuống vùng có rừng sẽ bị giữ lại nhiều hơn trong tán cây và trong lòng đất, do đó lượng dòng chảy do mưa trong mùa lũ giảm đi. Rừng ngăn cản không cho dòng chảy quá nhanh, làm cho lũ xuất hiện chậm hơn, giảm mức độ đột ngột và ác liệt của từng trận lũ. Vì thế, ở những vùng có nhiều rừng che phủ sẽ giảm bớt được thiên tai, lũ lụt. Hệ rễ của cây hấp thụ nước và duy trì lượng nước ngầm trong đất. Lượng nước này sau đó chảy vào các chỗ trũng tạo thành sông, suối… góp phần tránh được hạn hán, bảo vệ cuộc sống bình yên cho con người.
Nhờ hệ rễ của cây rừng ngập mặn chằng chịt đóng vai trò là hàng rào có tác dụng làm giảm vận tốc dòng chảy. Chúng có khả năng phát triển mạnh mẽ cả về mức độ rậm rạp và sự dàn trải, vừa ngăn chặn có hiệu quả hoạt động công phá bờ biển của sóng, đồng thời là vật cản làm cho trầm tích lắng đọng. Những nơi trồng và bảo vệ tốt rừng ngập mặn thì bờ biển và đê không bị xói lở, thiệt hại do thiên tai ở mức rất thấp. Ngoài ra, rừng ngập mặn còn có tác dụng hạn chế xâm nhập mặn. Quá trình xâm nhập mặn diễn ra chậm và trên phạm vi hẹp, vì khi triều cao, nước đã lan toả vào trong những khu rừng ngập mặn rộng lớn; hệ thống rễ dày đặc cùng với thân cây đã làm giảm tốc độ dòng triều, tán cây hạn chế tốc độ gió. Vì vậy, chúng góp phần đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ con người, đồng ruộng, nhà cửa khỏi các thiên tai sóng thần.
Thông qua chuỗi mô hình này, Trung tâm muốn hướng đến việc nâng cao mức độ hiểu biết của công chúng, đặc biệt đối tượng giáo dục là thế hệ trẻ, học sinh tại các trường tiểu học, trung học cơ sở để giúp các em hiểu hơn về vai trò, tầm quan trọng của rừng. Từ đó, học sinh có ý thức trong việc bảo vệ cây xanh, yêu thiên nhiên, tuyên truyền về việc bảo vệ rừng, chống biến đổi khí hậu. Khi đi vào hoạt động, dự kiến chuỗi mô hình sẽ được đặt ở phòng Trái đất và Tài nguyên thiên nhiên, góp phần làm đa dạng số mô hình hiện có tại Trung tâm. Với mục đích kích cầu du lịch mang xu hướng khoa học, Trung tâm Khám phá khoa học là một trong những địa điểm không thể thiếu để du khách trong và ngoài nước lựa chọn làm điểm dừng chân khi đến với thành phố biển Quy Nhơn.
– Oanh Trang –