Trong chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) với chủ đề “hành động vì thiên nhiên”, năm 2020 được xem là một năm quan trọng đối với các quốc gia trong việc cam kết bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Đó là tăng cường đồng loạt các biện pháp, hoạt động nhằm phục hồi hệ sinh thái bị suy thoái. Để truyền tải được thông điệp này và thực hiện chúng một cách hiệu quả, việc nâng cao ý thức và tầm hiểu biết của con người về vấn đề biến đổi khí hậu hiện nay là vô cùng cần thiết. Tại Trung tâm Khám phá khoa học (TTKP), Quả cầu mô phỏng hành tinh Omnigloble (Quả cầu) đã được đưa vào sử dụng như một công cụ hỗ trợ phổ biến khoa học đặc biệt.
Quả cầu có giá trị gần 3 tỷ đồng được nhập khẩu hoàn toàn từ Đức. Nó có đường kính 1,5m thể hiện hình ảnh bề mặt Trái Đất đang quay. Quả cầu mô phỏng rất nhiều chủ đề, hiện tượng xảy ra trên Trái Đất như: Biến đổi khí hậu, Hải dương học, Kiến tạo mảng, Núi lửa, Động đất, Chủ đề ngày đêm, Các mùa trong năm,… và nhiều hơn nữa. Khách tham quan có thể tương tác trực tiếp với quả cầu thông qua màn hình cảm ứng. Cụ thể, người xem dễ dàng đổi hướng và xoay quả cầu; di chuyển tiến hoặc lùi để xem hình ảnh một cách trực quan và sinh động. Các nội dung trên quả cầu về Trái Đất sẽ được thay đổi bởi chuyên gia của Trung tâm theo định kỳ và theo chủ đề giới thiệu đến công chúng.
Tại khu vực trải nghiệm mô hình này, hình ảnh đầu tiên hiện lên là bề mặt Trái Đất được chụp từ ngoài không gian cách đây hơn 50 năm từ tàu Apollo 8. Công chúng sẽ thốt lên rằng: “Wow! Trái Đất của chúng ta tuyệt đẹp.” Trái Đất vào thời điểm ấy rất xanh. Vậy bây giờ và trong tương lai, Trái Đất của chúng ta sẽ như thế nào?
TTKP đã xây dựng các bài giảng khoa học tương ứng với những chủ đề khác nhau. Mỗi bài giới thiệu sẽ kéo dài 15-20 phút. Tại đây, công chúng sẽ nắm được các kiến thức về chủ đề mình quan tâm. Cụ thể, đối với chủ đề biến đổi khí hậu, khách tham quan sẽ học và trả lời được lần lượt các câu hỏi như: Biến đổi khí hậu là gì? Tại sao Trái Đất nóng lên? Hiệu ứng nhà kính là gì? Hiệu ứng nhà kính có lợi hay có hại? Hậu quả của biến đổi khí hậu như thế nào?… Từ đó, bản thân mỗi chúng ta sẽ có những biện pháp khắc phục, góp phần chống biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, Quả cầu có thể giúp chúng ta theo dõi được tình hình thời tiết hiện tại thông qua ảnh mây vệ tinh hay những cơn bão đang diễn ra trên Trái Đất (nội dung sẽ được cập nhật 3 tiếng/lần từ dữ liệu của NASA).
Bên cạnh các nội dung về Trái Đất, Quả cầu còn mô phỏng bề mặt của các hành tinh và vệ tinh trong Hệ Mặt trời như: Sao Thuỷ, Sao Kim, Sao Hoả, Sao Mộc,… Thông qua đó, nội dung bài học về các hành tinh cũng được thể hiện một các sinh động. Các câu hỏi như “Hành tinh là gì?”, “Phân biệt giữa hành tinh, ngôi sao, vệ tinh tự nhiên, vệ tinh nhân tạo”… sẽ trở nên dễ hiểu hơn bao giờ hết. Trong tương lai, TTKP sẽ tiếp tục khai thác và xây dựng thêm nhiều chủ đề, bài học hơn nữa từ Quả cầu mô phỏng hành tinh OmniGlobe, bởi nhu cầu về kiến thức là không giới hạn.
– Mỹ Hoàng –