Thực hiện nội dung hợp tác tại Biên bản ghi nhớ giữa Trung tâm Khám phá khoa học và Trường Đại học Tây Nguyên, từ ngày 15/10/2020 đến ngày 17/10/2020, Trung tâm Khám phá khoa học đã có chuyến công tác và ghé thăm Đại học Tây Nguyên.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo trường, về phía Trung tâm Khám phá khoa học (TTKP) có ông Nguyễn Hữu Hà – Giám đốc Trung tâm, ông Lê Quang Thủy – Chuyên gia, ông Dương Tuấn Anh – Chuyên gia, ông Nguyễn Hữu Nghĩa – Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp và một số anh chị phòng Nghiên cứu – Phát triển. Về phía Trường Đại học Tây Nguyên có PGS.TS. Lê Đức Niêm – Chủ tịch Hội đồng Trường, PGS.TS. Văn Tiến Dũng – Trưởng phòng Khoa học và Quan hệ quốc tế, TS. Nguyễn Văn Bồng – Phó Trưởng khoa Phụ trách chung Khoa Khoa học tự nhiên công nghệ, TS. Cao Thị Lý – Phó Trưởng khoa Nông Lâm nghiệp, Bộ môn Vật lý, Nhóm Nghiên cứu & thiết kế Giáo dục STEM, Trung tâm Ứng dụng và Tư vấn kỹ thuật nông lâm nghiệp.
Hai đơn vị thảo luận về nội dung hợp tác đã ký kết tại Biên bản ghi nhớ trên nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi. Bên cạnh đó, TTKP luôn tạo điều kiện và mở rộng quá trình đào tạo cho sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên thực tập chuyên môn về chuyên ngành Vật lý tại Trung tâm.
Ngoài ra, trong chuyến công tác, đoàn được đi tham quan nhà màng, tìm hiểu về quy trình trồng dưa leo và dưa lưới kết hợp với hệ thống theo dõi dinh dưỡng trong nước và hệ thống tưới nhỏ giọt. Hiện nay, TTKP đang triển khai mô hình nhà kính thông minh ứng dụng công nghệ IoT phục vụ phổ biến khoa học. Buổi tham quan sẽ giúp TTKP có thêm kỹ năng và kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Được biết, Đại học Tây Nguyên có thế mạnh về lĩnh vực STEM (các ngành khoa học về Science, Technology, Engineering và Mathematics). Từ lúc thành lập nhóm nghiên cứu và thiết kế giáo dục STEM, trường đã triển khai 10 lớp với các nội dung đa dạng và tổ chức trải nghiệm hoạt động STEM trong khuôn viên trường. Hoạt động này không chỉ thu hút học sinh tiếp cận với những kiến thức, kỹ năng liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học mà còn là điều kiện để quảng bá hình ảnh và tư vấn tuyển sinh cho năm học mới. Với bề dày kinh nghiệm và nghiên cứu chuyên sâu về lý luận thực tiễn của nhà trường, đồng thời kinh nghiệm sáng chế và chế tạo những mô hình, máy móc từ các chuyên gia TTKP, chắc hẳn việc kết hợp trong quá trình giảng dạy STEM sẽ đem lại nhiều kết quả tốt.
Hiện nay TTKP đã thiết kế và chế tạo hơn 80 mô hình, trò chơi khoa học. Sau khi thử nghiệm thành công và đưa vào hoạt động chính thức, Trung tâm sẽ hỗ trợ về mặt kỹ thuật để Đại học Tây Nguyên có thể phát triển các mô hình này tại trường.
Đối với mảng Nông lâm nghiệp, về phía nhà trường đề xuất chuyển giao một số loại cây đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên. TTKP sẽ tận dụng một khu đất với diện tích nhỏ tại khuôn viên Trung tâm để tạo thành vườn cây hợp tác giữa hai đơn vị. Ngoài ra, Khoa cung cấp thêm một số nội dung liên quan đến phòng trưng bày Trái đất và Tài nguyên thiên nhiên tại Trung tâm, về việc con người sử dụng tài nguyên và những tác động đến môi trường. Từ đó công chúng tham quan có thể hiểu được môi trường của chúng ta đang dần bị phá hủy và tác hại của nó ra sao. Như vậy, việc phổ biến khoa học và truyền tải các biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học sẽ mang tính thực tiễn.
Trong tương lai, TTKP sẽ thành lập câu lạc bộ Thiên văn. Đây là nơi để những ai yêu thích thiên văn cùng giao lưu, tìm hiểu và trao đổi kiến thức về lĩnh vực này. Hiện Trạm Quan sát thiên văn phổ thông tại TTKP đang chuẩn bị đi vào hoạt động. Trung tâm sẽ hỗ trợ Đại học Tây Nguyên về mặt kỹ thuật cũng như chỉ rõ những khó khăn vướng phải và rút kinh nghiệm trong quá trình hoàn thiện.
Cuối chương trình, hai đơn vị thảo luận trong việc phối hợp tổ chức các lớp học, hội thảo, hội nghị chuyên đề về Vật lý và Thiên văn năm 2021. Bên cạnh đó, hai đơn vị cùng lên kế hoạch tổ chức chương trình giao lưu giữa nhóm STEM thuộc Trường Đại học Tây Nguyên và Trung tâm, hướng đến việc thực hiện các đề tài, dự án khoa học trong năm 2021. Buổi làm việc sẽ là nền tảng để hai đơn vị tiếp tục phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau. Trung tâm Khám phá khoa học mong muốn nhận được sự giới thiệu và mở rộng quan hệ quốc tế từ phía nhà trường, đặc biệt trong lĩnh vực thiên văn để Trung tâm có thể học hỏi và phát triển ngày càng mạnh hơn.
– Oanh Trang –