Ngày 11/2/2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư nêu rõ:“Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch; khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng hoá thạch trong nước…”; “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm cảu toàn xã hội.; “Tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030; 25-30% vào năm 2045”; “Giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030, lên mức 20% vào năm 2045”.
Với sứ mệnh tuyên truyền, hỗ trợ các kiến thức cho toàn dân về khoa học và công nghệ, đồng thời khơi gợi niềm đam mê khoa học, ý thức bảo vệ môi trường, Trung tâm Khám phá khoa học (TTKPKH) đã hoàn thành nhiệm vụ “Nghiên cứu chế tạo 02 mô hình khoa học năm 2019”. Một trong hai sản phẩm đã chế tạo hoàn thiện có ý nghĩa giúp người dân hiểu thêm về vấn đề năng lượng là mô hình Sa bàn năng lượng tái tạo. Mô hình khoa học này sẽ giúp khách tham quan nắm bắt các loại năng lượng tái tạo phổ biến nhất hiện nay như: Năng lượng mặt trời, năng lượng địa nhiệt, năng lượng thuỷ triều, năng lượng thuỷ điện, năng lượng gió, năng lượng sinh khối.
Căn cứ vào tình hình thực tế, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo. Việc khai thác các nguồn năng lượng tái tạo có ý nghĩa hết sức quan trọng cả về kinh tế, xã hội, an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Do đó, việc hoàn thiện mô hình Sa bàn năng lượng tái tạo là điều kiện lý tưởng để Trung tâm sẽ tổ chức các hoạt động giới thiệu, tuyên truyền đến khách tham quan về việc phát triển các nguồn điện này ở Việt Nam. Mô hình Sa bàn sẽ giúp khách tham quan nắm rõ các loại năng lượng tái tạo sau:
- Năng lượng Mặt trời
Năng lượng mặt trời là vô tận, dư thừa để đáp ứng nhu cầu về năng lượng của nhân loại, đủ dùng cho muôn vàn thế hệ về sau. Tiềm năng của năng lượng mặt trời là rất lớn – mỗi ngày, bề mặt Trái đất được hưởng 120.000 terawatts (TW) của ánh sáng Mặt trời, cao gấp 20.000 lần so với nhu cầu của con người trên toàn thế giới (1TW = 1.000 tỉ W). Theo tính toán của NASA, Mặt trời còn có thể cung cấp năng lượng cho chúng ta trong khoảng 6,5 tỷ năm nữa. Theo xu hướng phát triển gần đây trong cuộc đấu tranh cho việc làm sạch môi trường trái đất, năng lượng Mặt trời là lĩnh vực hứa hẹn nhất, có thể thay thế một phần năng lượng từ các nguồn nhiên liệu không tái tạo được. Do đó, nó đóng vai trò quan trọng trong công cuộc bảo vệ môi trường từ sự tăng nhiệt toàn cầu.
Khách tham quan có thể quan sát và trực tiếp tham gia tương tác với mô hình Sa bàn bằng cách điều khiển độ sáng của một chiếc đèn thể hiện Mặt trời. Khi có ánh sáng, pin Mặt trời sẽ hoạt động và một đồng hồ đo sẽ chỉ công suất phát của pin Mặt trời.
- Năng lượng địa nhiệt
Năng lượng địa nhiệt cung cấp năng lượng ổn định và ít gây tổn hại đến môi trường hơn so với sử dụng nhiên liệu hóa thạch hay hạt nhân. Hình thức sử dụng năng lượng địa nhiệt khá đa dạng, chẳng hạn như dùng nước nóng dưới mặt đất để trực tiếp làm nóng các tòa nhà, nhà kính, nước sinh hoạt, hoặc bơm nước và hơi nước nóng ngầm làm quay tuabin phát điện.
Với mô hình Sa bàn, khách tham quan được nhìn và hình dung hình dạng của nhà máy địa nhiệt. Thiết kế này là bản mô phỏng được chế tạo giống với thực tế. Bên cạnh đó du khách quan sát được hơi bốc lên từ lòng đất.
- Năng lượng gió
Bên cạnh nguồn năng lượng từ Mặt trời thì năng lượng gió cũng được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam bắt kịp tốc độ tăng trưởng nhanh chóng về nhu cầu điện trong cả ngắn hạn và dài hạn. Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 02/2019/TT-BCT ngày 15/01/2019 quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió. Với lợi thế đường bờ biển trải dài cùng địa hình thuận lợi, việc xây dựng các trạm điện bằng sức gió là một giải pháp có thể giúp nâng cao sản lượng điện của Việt Nam trong những năm tới. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió với trên 3.000 km2 đường bờ biển. Theo lộ trình, Việt Nam sẽ phát triển 800 MW điện gió vào năm 2020, chiếm khoảng 0,8% tổng nhu cầu điện. Mục tiêu là phát triển 2.000 MW điện gió vào năm 2025 và 6.000 MW vào năm 2030. Tại Bình Định, UBND tỉnh Bình Định đã đồng ý chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện gió Nhơn Hội 1 và Nhà máy điện gió Nhơn Hội 2 nằm tại núi Phương Mai trong khu kinh tế Nhơn Hội do Công ty CP Đầu tư Fico làm chủ đầu tư.
Sa bàn sẽ giúp người tham quan điều khiển việc phát gió làm quay cối xay gió. Trong thực tế, nguồn điện gió sử dụng luồng không khí (gió) làm quay cánh quạt sẽ truyền động làm quay máy phát điện để tạo ra điện.
- Năng lượng thuỷ triều
Năng lượng thuỷ triều nếu được phát huy sẽ đổi hướng: chuyển tải điện từ đất liền ra đảo sang chuyển điện từ đảo vào đất liền. Trong quá trình tương tác, khách tham quan có thể điều khiển mực nước thuỷ triều lên xuống để quay cánh quạt chạy máy phát, một dạng năng lượng có nguồn nhiên liệu vô tận và miễn phí.
- Năng lượng thuỷ điện
Thủy điện là nguồn điện có được từ năng lượng nước. Các đập thủy điện không sử dụng nhiên liệu nên việc tạo ra điện sẽ không tạo ra carbon dioxide. Mặc dù carbon dioxide ban đầu được sản xuất trong quá trình xây dựng dự án và một số khí mê-tan được thải ra hàng năm bởi các hồ chứa, nhưng thủy điện lại có lượng phát thải khí nhà kính thấp nhất trong các ngành sản xuất điện.
- Năng lượng sinh khối (NLSK)
Tiềm năng về NLSK của Việt Nam được đánh giá là rất đa dạng và có trữ lượng khá lớn. Với mức tiềm năng lớn như vậy, chúng ta vẫn chưa thể tận dụng hết các nguồn NLSK, ngược lại đó là nguồn gây ô nhiễm môi trường. Việc tận dụng được nguồn nhiên liệu này sẽ đồng thời cung cấp năng lượng cho phát triển kinh tế và đảm bảo vấn đề bảo vệ môi trường. Trong mô hình Sa bàn có thể hiện mô hình nhà máy điện sinh khối nằm gần khu vực nông trại và khu dân cư. Khách tham quan có thể hình dung nhà máy sử dụng nguồn nguyên liệu từ nông trại và hoạt động phát thải của khu dân cư để tạo ra điện.
Khai thác năng lượng tái tạo đang là xu hướng chung trên thế giới để thay thế nguồn năng lượng hóa thạch vốn đang dần cạn kiệt. Hơn nữa, việc sử dụng năng lượng tái tạo hạn chế được sự biến đổi đến mức cực đoan của khí hậu. Nhìn chung năng lượng tái tạo vẫn còn rất khiêm tốn trong bức tranh tổng thể về năng lượng trên toàn cầu mặc dù được đầu tư và phát triển khá nhanh trong những năm gần đây. Vì vậy, Mô hình sa bàn năng lượng tái tạo tại TTKPKH sẽ góp phần không nhỏ trong việc truyền đạt những kiến thức khoa học về các loại năng lượng tái tạo, để công chúng có thể tìm hiểu về khoa học nhiều hơn, sử dụng hiệu quả các tài nguyên và nâng cao ý thức bảo vệ các nguồn tài nguyên đang ngày một cạn kiệt của Quốc gia.
– Võ Thị Mỹ Hoàng – Đỗ Thị Thanh Nhạn –