Đầu tháng 5 vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã tiến hành tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở năm 2019 tại Trung tâm Khám phá khoa học (TTKPKH). Cụ thể nhiệm vụ bao gồm nghiên cứu, chế tạo 08 mô hình: Sa bàn năng lượng tái tạo, Buồng mây, Tên lửa nước, Nguyên tử, Hệ Mặt trời thu nhỏ, So sánh các tên lửa đẩy, Không gian cong, Robots for the well-being of humans.
Ở mô hình Sa bàn năng lượng tái tạo, tất cả các loại hình sản xuất năng lượng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, điện nguyên tử, các nguồn năng lượng tái tạo tồn tại khắp nơi trên Trái đất như: nắng, gió, nhiệt trong lòng đất… sẽ được tái hiện qua mô hình tương tác do TTKPKH thiết kế, nhằm mô phỏng các dạng năng lượng tái tạo. Khách tham quan có thể kích hoạt chuyển động một số tính năng trên sa bàn, quan sát cách hoạt động của các loại năng lượng tái tạo, qua đó tăng tính hấp dẫn, truyền tải các thông tin giáo dục, xã hội đến với người xem.
Trong mô hình Buồng mây, công chúng sẽ quan sát được trực tiếp đường đi của các hạt bức xạ ion hoá như alpha, beta trong các phản ứng hạt nhân và cả tia gama từ các tia vũ trụ.
Đối với mô hình Tên lửa nước, học sinh – sinh viên có điều kiện nghiên cứu, tìm hiểu về tác dụng của áp suất lên chất khí, chất lỏng và nguyên tắc phản lực, áp dụng theo nguyên lý định luật III Newton.
Mô hình Nguyên tử sẽ giúp khách tham quan quan sát được cấu tạo nguyên tử theo lịch sử khoa học. Qua đó, người xem có thể thấy được hành trình tìm hiểu thế giới hạ nguyên tử của con người.
Trong mô hình Hệ Mặt trời thu nhỏ, người chơi có thể tự quay để xem sự chuyển động và thứ tự quay của các hành tinh trong hệ Mặt trời. Thông qua mô hình này, TTKPKH mong muốn truyền tải những kiến thức về thiên văn học, tăng khả năng tìm tòi, khám phá những điều mới và phát triển tư duy đến công chúng.
Mô hình So sánh các Tên lửa đẩy sẽ cho công chúng những trải nghiệm, so sánh mức độ to lớn và ý nghĩa của các loại tên lửa đẩy qua từng giai đoạn.
Mô hình Không gian cong minh họa không gian bị cong ở quanh vật có khối lượng lớn theo thuyết tương đối rộng của Einstein. Đồng thời nó có thể giải thích một cách đơn giản quỹ đạo chuyển động dạng ellipse của các hành tinh quanh mặt trời tuân theo các định luật Kepler.
Đặc biệt là mô hình Robots for the well-being of humans, khách tham quan có thể trò chuyện và giao tiếp với robot để có thể biết thêm thông tin về TTKPKH (bằng ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt). Robot NAO được lập trình theo nhiều chủ đề khác nhau, kết hợp bằng lời nói và cử chỉ hành động để đáp ứng thông tin theo nhu cầu của mọi người. TTKPKH với mong muốn phổ biến về trí tuệ nhân tạo đến công chúng, thông qua robot NAO, khách tham quan sẽ nhận thấy sự gần gũi và trực quan của trí tuệ nhân tạo đối với con người như thế nào.
Từ việc học hỏi kinh nghiệm chế tạo các mô hình khoa học trên thế giới, cùng với việc bám sát thực tế khả năng về nhân lực và nguồn lực, TTKPKH đã hoàn thành các mô hình đúng với yêu cầu đặt ra. Sau khi tham quan và kiểm tra quá trình vận hành mô hình, Hội đồng phản biện cùng tổ nghiệm thu đã có những đánh giá, góp ý một cách khách quan về mặt chuyên môn cũng như hình thức trưng bày. Nhằm tăng tính giáo dục và truyền tải được nội dung đến học sinh – sinh viên hiệu quả nhất, TTKPKH cần xây dựng thêm bộ tài liệu thuyết minh cho các mô hình này. Nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở năm 2019 do TTKPKH là cơ quan chủ trì đã được công nhận kết quả “Đạt”. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, TTKPKH đã chế tạo thêm 08 mô hình mới, nâng tổng số mô hình hiện có tại Trung tâm lên 88 mô hình. Có thể nói, việc phát triển các nội dung khoa học thông qua các mô hình đã và đang đáp ứng thị hiếu của công chúng khi đến TTKPKH. Khách tham quan, học sinh – sinh viên quay trở lại Trung tâm luôn được tiếp cận, trải nghiệm và khám phá những điều mới.
Bên cạnh đó, trong năm 2020, TTKPKH triển khai thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng mô hình nhà kính thông minh ứng dụng công nghệ IoT phục vụ phổ biến khoa học”. Mô hình nhà kính thông minh được xây dựng trên cơ sở ứng dụng năng lượng tái tạo, công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT) và các thiết bị cảm biến. Mục tiêu xây dựng mô hình này nhằm phục vụ phổ biến khoa học tại TTKPKH, giới thiệu đến công chúng, học sinh và sinh viên về hệ thống nông nghiệp công nghệ cao đang được ứng dụng phổ biến tại các nước tiên tiến trên thế giới. Quan trọng không kém là kiểm soát môi trường bên trong nhà kính sẽ dễ dàng và đáng tin cậy hơn việc cố gắng để đối phó với tất cả các biến cố khi trồng cây ngoài trời. Nhờ sử dụng các thiết bị điện tử trong nguyên lý hoạt động, mô hình tự động nhận diện sự thay đổi của các yếu tố thời tiết, khí hậu như: ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, gió, bức xạ mặt trời để tự động điều chỉnh các điều kiện khí hậu bên trong nhà kính phù hợp với điều kiện sinh trưởng của cây trồng; hay việc sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho nhà kính. Dự kiến thời gian hoàn thành mô hình và ra mắt công chúng vào tháng 12/2020.
– Oanh Trang –