“Một, hai, ba… Bắn!” Khẩu hiệu vang lên vừa dứt. Chiếc tên lửa được bắn lên trời trong tiếng reo hò và phấn khích của các bạn học sinh. Đây là trò chơi Tên lửa nước được thực hiện tại Trung tâm Khám phá khoa học.
Quay ngược thời gian để tìm hiểu về nguồn gốc Tên lửa, chúng đã được phát minh từ thế kỷ XIII tại Trung Quốc với thuốc phóng là thuốc súng đen, sau đó liên tục được phát triển như một thứ vũ khí chiến tranh và cuối cùng là động cơ phản lực cho các tàu vũ trụ. Dựa theo nguyên lý hoạt động của tên lửa, việc chế tạo tên lửa nước là một trò chơi khoa học minh họa cho nguyên lý đẩy của động cơ phản lực, đã được Jean LeBot phát triển từ năm 1930 ở Rein (Pháp) với vỏ chai sâm banh và bơm xe đạp. Đến những năm 1990, trò chơi này lại được tái phát triển tại Pháp (với chai nhựa PET và có độ an toàn hơn), sau đó lan nhanh ra khắp mọi nơi vì sự hấp dẫn và thử thách của nó. Tên lửa nước dần trở thành trò chơi giải trí mang tính giáo dục ở các nước trên thế giới. Có thể nói đến các cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ, NASA, họ cũng đã dùng trò chơi này trong các chương trình dành cho trẻ em nhằm mục đích hướng các em đến với khoa học.
Thời gian gần đây, mỗi đoàn khách đến tham quan tại Trung tâm Khám phá khoa học (TTKP), đặc biệt là các nhóm học sinh phổ thông đều được trải nghiệm hoạt động bắn tên lửa nước. Trò chơi này được chế tạo rất đơn giản từ những vật dụng hàng ngày như chai nhựa, ống nhựa PVC, bơm xe đạp, thắng xe đạp,… Để những quả tên lửa được bắn lên cao, các bạn cần đổ một ít nước vào chai nhựa. Sau đó, bạn dùng bơm xe đạp đưa không khí vào chai để không khí bị nén với áp suất cao. Khi giật chốt, khí nén đẩy nước phụt ra ngoài và đẩy chai nhựa bay lên cao đến vài chục mét theo định luật III Newton. Chưa dừng lại ở đó, một thử thách khoa học với mức độ khó hơn là làm sao người chơi có thể bắn tên lửa bay cao nhất và xa nhất. Ai nấy đều hào hứng và muốn được chinh phục “bài toán” này. Các bạn chơi theo nhóm, phối hợp cùng nhau để tìm ra đáp án. Sau mỗi lần bắn, học sinh dần căn chỉnh được lượng nước tối ưu cho vào chai, xác định góc bắn để tên lửa bay cao nhất và xa nhất. Thông qua trò chơi này, các bạn không chỉ vận dụng linh hoạt những kiến thức đã học để giải quyết bài toán mà còn tăng khả năng sáng tạo, làm việc nhóm một cách hiệu quả. Thử thách đã thực sự mang đến niềm vui và hứng thú cho các bạn học sinh.
Từ chiếc tên lửa nước đơn giản và dễ chế tạo, TTKP đã nâng cấp mô hình với mức bắn cao hơn, có thể lên đến độ cao 100m. Tên lửa nước được trang bị camera quan sát khung cảnh xung quanh. Do đó, chúng ta có thể nhìn thấy sự chuyển động và ghi nhận độ cao của tên lửa trong suốt quá trình bay. Khi rơi xuống, dù sẽ bung ra giúp tên lửa đáp mặt đất một cách an toàn.
Trò chơi này thuộc nhóm các hoạt động trải nghiệm ngoài trời. Chính vì vậy, trong điều kiện thời tiết không thuận lợi (mưa hoặc gió lớn), mô hình tên lửa nước không đảm bảo được tổ chức vì các thông số phóng không chính xác. Sau một thời gian nghiên cứu và tìm hiểu, TTKP đã tiếp tục chế tạo mô hình Tháp tên lửa nước, nhằm khắc phục các hạn chế do thời tiết, đồng thời nâng cấp mức độ hoạt động trải nghiệm tên lửa nước trong nhà. Tháp tên lửa nước được thiết kế với chiều cao 6m, bao gồm tên lửa, bệ phóng kiêm hồ chứa nước, tháp phóng kiêm trục định hướng và trục hãm tên lửa khi rơi, cùng hệ thống thông tin điều khiển được lắp đặt chắc chắn để người chơi tự mình trải nghiệm. Tháp tên lửa nước được thiết kế dựa trên mô hình Tên lửa nước của Bảo tàng khoa học Cité des sciences et de l’industrie Paris. Quá trình phóng tên lửa được tự động hóa thông qua bàn điều khiển. Các kết quả sẽ được hệ thống đưa về và cho biết độ cao tên lửa. Từ đó người chơi sẽ điều chỉnh lượng nước để tên lửa bay được cao nhất.
Hiện nay trò chơi Tên lửa nước khá phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt là trong các trường học. Có rất nhiều cuộc thi về tên lửa nước được tổ chức với mục đích giúp các bạn trẻ tham gia thiết kế và chế tạo mô hình này. Đây là một trong những phương thức để học sinh, sinh viên phát triển những ý tưởng sáng tạo của mình thành các sản phẩm thực tế. Qua các mô hình đặt trong các phòng trưng bày, TTKP hy vọng rằng có thể thúc đẩy niềm đam mê cũng như khả năng nghiên cứu, phát triển khoa học của các bạn. Đó chính là một trong những mục tiêu hàng đầu của TTKP muốn hướng đến.
– Yến Nhi – Oanh Trang –