Trung tâm Khám phá khoa học (TTKP) đã và đang đón khá nhiều lượt khách đến tham quan, mặc dù công trình vẫn trong thời gian xây dựng và hoàn thiện trước khi khánh thành. Tính đến tháng 6/2020, TTKP đã đón gần 6800 khách trong và ngoài nước.

Tổ hợp Không gian khoa học (Tổ hợp) được xây dựng với mục đích khơi gợi niềm đam mê khoa học của công chúng, nhất là các bạn trẻ. Tuy Tổ hợp chưa đi vào hoạt động nhưng TTKP được thành lập có nhiệm vụ quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng công trình Tổ hợp để tổ chức các hoạt động, nhằm phục vụ nhu cầu tham quan học tập. Hầu hết mọi người đều thích thú bởi lẽ TTKP được xem là điểm đến đầu tiên tại Việt Nam mà công chúng có thể vui chơi, trải nghiệm và khám phá khoa học.

Thời gian gần đây, Trung tâm bắt đầu tổ chức các chương trình thử nghiệm trải nghiệm khoa học dành cho các bạn học sinh, sinh viên. Trọng điểm trong tháng 6 vừa qua, nhân dịp Quốc tế thiếu nhi, Trung tâm đã tổ chức cho 18 đoàn tham quan và trải nghiệm khoa học (gần 1200 khách). Mỗi chương trình được xây dựng trong hai giờ đồng hồ, bao gồm tham quan các phòng trưng bày và trải nghiệm nhóm trò chơi phù hợp với từng độ tuổi. Dưới sự hướng dẫn của chuyên gia và nhân viên TTKP, các bạn có thể tìm hiểu một cách trực quan và sinh động về các vấn đề liên quan đến Trái Đất, các hành tinh trong hệ Mặt trời; trải nghiệm cảm giác rơi vào giữa cơn bão cấp 12 trong mô hình gió bão, quan sát hiện tượng sấm sét qua mô hình Tesla, … hay tự mình giải các câu đố trong khu trò chơi toán học. Đặc biệt, các nhóm tham quan có cơ hội thưởng thức phần biểu diễn của Robot NAO. Đây là mô hình mới của TTKP vừa được nghiệm thu và đưa vào hoạt động từ đầu tháng 6/2020. Robot NAO được lập trình theo nhiều chủ đề khác nhau, kết hợp bằng lời nói và cử chỉ hành động để đáp ứng thông tin theo nhu cầu của mọi người. NAO đem đến cho người xem những cử chỉ giao tiếp cơ bản như chào hỏi, biểu diễn các bài thái cực quyền, các điệu nhảy vui nhộn và dự đoán thời tiết…

Nhóm trẻ em mầm non xem Robot NAO biểu diễn

Ngoài việc tham quan các mô hình được đặt trong phòng trưng bày, TTKP đã thiết kế những giáo án riêng và tổ chức các trò chơi hoạt động nhóm. Nội dung được xây dựng là các trò chơi khoa học mang tính vận động kết hợp với mỹ thuật. Đó có thể là cắt dán những chiếc máy bay, tên lửa giấy, hay xếp các khối đa diện bằng ống hút từ những vật dụng có sẵn trong cuộc sống hàng ngày… Sau đó, các em được chơi trên chính sản phẩm của mình vừa tạo ra. Đây được xem là một sân chơi mới kết hợp giữa giải trí và giáo dục, thu hút rất nhiều học sinh và ngay cả phụ huynh cùng tham gia. Qua các hoạt động này, chúng tôi mong muốn truyền tải cho các em biết được rằng, khoa học không ở đâu xa xôi mà luôn đồng hành trong cuộc sống chúng ta.

Hoạt động nhóm xếp khối đa diện

Có thể thấy đây là một không gian hoàn toàn mới, đặc biệt trong dịp hè này. Niềm đam mê cũng như sự hứng thú được thể hiện rõ nét qua cách các em tỉ mỉ, tập trung trong từng hoạt động. Mỗi chương trình có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, nó như một món quà tinh thần giúp các em thêm yêu khoa học và học tập tốt hơn. Với sứ mệnh là phổ biến khoa học đến công chúng, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục xây dựng các chuỗi hoạt động ngoại khóa để có thể phối hợp và triển khai tại các trường trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến một sự kiện thiên văn vô cùng đặc biệt trong tháng 6 vừa qua. Ngày 21/6/2020 (đúng ngày hạ chí), Trung đã tổ chức hoạt động tìm hiểu khoa học thông qua tổ chức sự kiện quan sát Nhật thực một phần cho công chúng đam mê thiên văn. Chương trình diễn ra tại Trung tâm từ 13h đến 16h, với sự tham gia của gần 500 công chúng là học sinh, sinh viên và những người yêu thích thiên văn ở mọi lứa tuổi.

Chuyên gia Lê Quang Thuỷ trình bày về phương pháp tính khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt trăng

Đây không chỉ là hoạt động quan sát thiên văn riêng lẻ. Tại các điểm cầu quan sát khác đã cùng nhau tham gia chương trình livestream. Mục đích của hoạt động này để công chúng yêu thiên văn có thể quan sát quá trình nhật thực xảy ra trên cả nước. Cụ thể các điểm cầu cùng tham gia: Hưng Yên, Câu lạc bộ Vật lý thiên văn Hà Nội, Đài thiên văn Hoà Lạc, Đài thiên văn Phố Hiến, Câu lạc bộ thiên văn học Đà Nẵng, Trung tâm Khám phá khoa học, Đài thiên văn Nha Trang.

Tại điểm cầu Quy Nhơn, thời tiết rất thuận lợi để theo dõi nhật thực. Thời gian xảy ra nhật thực bắt đầu từ 13h37 và vào pha cực đại lúc 15h08. Ngoài ra, công chúng được nghe bài giảng của Trung tâm giới thiệu về nhật thực và các phương pháp quan sát nhật thực để đảm bảo an toàn cho mắt. Hoạt động quan sát nhật thực tại chỗ thông qua các kính chuyên dụng do Trung tâm chuẩn bị và tiếp tục xem livestream từ các điểm cầu khác (Hưng Yên, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang). Song, các bạn trẻ đam mê thiên văn đã được tham gia hoạt động nhóm đo thị sai. Từ đó, các bạn có thể tính khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trăng, ứng dụng để đo khoảng cách đến các vì sao.

Nhật thực đạt cực đại vào lúc 15h08 tại TTKP

Hoạt động đã mang lại cho công chúng đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên sự thích thú, niềm đam mê và củng cố kiến thức về thiên văn. Tiếp nối thành công của hoạt động này, trong tương lai Trung tâm sẽ tổ chức nhiều hoạt động khám phá tìm hiểu khoa học hơn nữa, đặc biệt là sự kiện thiên văn dành cho đại chúng.

– Oanh Trang – Mỹ Hoàng –

Thuộc nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở năm 2020, chuỗi mô hình Rừng và sự sống tại Trung tâm Khám phá khoa học đã được Sở Khoa học và Công nghệ (cơ quan chủ quản) nghiệm thu vào cuối tháng 1/2021.

Ý tưởng cho mô hình này dựa trên tình hình thực tế của nước ta tr
ước những nguy cơ mất rừng. Trong khi đó vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu đang là vấn đề cấp bách không chỉ ở Việt Nam mà còn là của toàn cầu. Vì vậy, việc tăng mức độ hiểu biết và nâng cao nhận thức của công chúng về vai trò của rừng trong việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu là thực sự vô cùng cần thiết.

Theo các kết quả nghiên cứu trong nhiều năm của các nhà khoa học trên thế giới và ở nước ta thì cây xanh có khả năng hấp thụ 50% bụi phóng xạ; quét dọn hơi, bụi độc cùng những cặn bã công nghiệp. Chúng có khả năng hút một số chất độc hại như Cacbonic, Anhidrit, Sunfua, Fuo, Clo, Amoniac và trả lại cho khí quyển nhiều dưỡng khí. Những hàng cây trồng đan xen thành nhiều lớp còn có tác dụng chắn gió, hạn chế sự di chuyển của cát bụi giúp bảo vệ mùa màng, hoa màu, cây trái, bảo vệ nhà cửa, làng mạc thôn xóm chống lại gió bão, hạn chế năng lượng sóng.

Trung tâm Khám phá khoa học đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo chuỗi mô hình Rừng và sự sống. Trong đó gồm 02 poster động về Thực vật và hệ sinh thái, Hãy bảo vệ rừng, mô hình Rừng ngập ngập mặn, mô hình Chống xói mòn đất. Khách tham quan có thể tương tác trực tiếp để thấy được hiệu ứng mà mô hình đem lại. Mỗi mô hình đều tái hiện hai trạng thái hoàn toàn trái ngược nhau, một bên có rừng và một bên không có rừng.

 

Poster động “Thực vật và hệ sinh thái”

Các mô hình thể hiện những tác dụng và lợi ích của rừng. Khi đó, tác dụng của rừng sẽ điều hòa khí hậu, làm vạn vật sinh sôi nảy nở. Đây là điều kiện cần để sự sống của chúng ta được duy trì.

Poster động “Thực vật và hệ sinh thái”

Rừng là nơi trú ngụ của rất nhiều loài động thực vật quý hiếm, tàng trữ nguồn gen quý và đảm bảo sự đa dạng sinh học trên Trái đất. Mối quan hệ và tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống của mỗi con người là mối quan hệ hữu cơ và không một quốc gia nào phủ nhận điều đó. Thế nhưng, mỗi năm vẫn có những cánh rừng bị phá hủy, nhiều vùng đất trở nên xói mòn không thể cải tạo được nữa. Và Tại Trung tâm, các mô hình này sẽ cho khách tham quan có sự so sánh và cảm nhận mức độ thiệt hại giữa việc có rừng và không có rừng.

Mô hình chống xói mòn đất

Rừng đóng vai trò rất to lớn trong việc ngăn lũ, chống xói mòn, sạt lở đất. Mỗi mùa bão lũ, nước mưa rơi xuống vùng có rừng sẽ bị giữ lại nhiều hơn trong tán cây và trong lòng đất, do đó lượng dòng chảy do mưa trong mùa lũ giảm đi. Rừng ngăn cản không cho dòng chảy quá nhanh, làm cho lũ xuất hiện chậm hơn, giảm mức độ đột ngột và ác liệt của từng trận lũ. Vì thế, ở những vùng có nhiều rừng che phủ sẽ giảm bớt được thiên tai, lũ lụt. Hệ rễ của cây hấp thụ nước và duy trì lượng nước ngầm trong đất. Lượng nước này sau đó chảy vào các chỗ trũng tạo thành sông, suối… góp phần tránh được hạn hán, bảo vệ cuộc sống bình yên cho con người.

Mô hình rừng ngập mặn

Nhờ hệ rễ của cây rừng ngập mặn chằng chịt đóng vai trò là hàng rào có tác dụng làm giảm vận tốc dòng chảy. Chúng có khả năng phát triển mạnh mẽ cả về mức độ rậm rạp và sự dàn trải, vừa ngăn chặn có hiệu quả hoạt động công phá bờ biển của sóng, đồng thời là vật cản làm cho trầm tích lắng đọng. Những nơi trồng và bảo vệ tốt rừng ngập mặn thì bờ biển và đê không bị xói lở, thiệt hại do thiên tai ở mức rất thấp. Ngoài ra, rừng ngập mặn còn có tác dụng hạn chế xâm nhập mặn. Quá trình xâm nhập mặn diễn ra chậm và trên phạm vi hẹp, vì khi triều cao, nước đã lan toả vào trong những khu rừng ngập mặn rộng lớn; hệ thống rễ dày đặc cùng với thân cây đã làm giảm tốc độ dòng triều, tán cây hạn chế tốc độ gió. Vì vậy, chúng góp phần đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ con người, đồng ruộng, nhà cửa khỏi các thiên tai sóng thần.

Thông qua chuỗi mô hình này, Trung tâm muốn hướng đến việc nâng cao mức độ hiểu biết của công chúng, đặc biệt đối tượng giáo dục là thế hệ trẻ, học sinh tại các trường tiểu học, trung học cơ sở để giúp các em hiểu hơn về vai trò, tầm quan trọng của rừng. Từ đó, học sinh có ý thức trong việc bảo vệ cây xanh, yêu thiên nhiên, tuyên truyền về việc bảo vệ rừng, chống biến đổi khí hậu. Khi đi vào hoạt động, dự kiến chuỗi mô hình sẽ được đặt ở phòng Trái đất và Tài nguyên thiên nhiên, góp phần làm đa dạng số mô hình hiện có tại Trung tâm. Với mục đích kích cầu du lịch mang xu hướng khoa học, Trung tâm Khám phá khoa học là một trong những địa điểm không thể thiếu để du khách trong và ngoài nước lựa chọn làm điểm dừng chân khi đến với thành phố biển Quy Nhơn.

– Oanh Trang –

Leave a Comment

Follow Me

Top Selling Multipurpose WP Theme

Newsletter

Subscribe my Newsletter for new blog posts, tips & new photos. Let's stay updated!

About Me

Lorem ipsum dolor sit amet, consec tetur adipiscing elit. Ut elit tellus dan, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Newsletter

Subscribe my Newsletter for new blog posts, tips & new photos. Let's stay updated!

@2022 u2013 All Right Reserved. Designed and Developed by PenciDesign.