Cách đây gần 3 thập kỷ, người dân Việt Nam từng được chứng kiến hiện tượng nhật thực toàn phần, và thật tình cờ những nhà khoa học đến Việt Nam chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn học kỳ thú đó hiện nay vẫn đang có những đóng góp quan trọng cho nền khoa học nước nhà nói chung, và cho tỉnh Bình Định nói riêng. Trong số các nhà khoa học đó có TS. Nguyễn Trọng Hiền, hiện nay là nhà khoa học tại Nhóm nghiên cứu Vật lý thiên văn Simons tại ICISE (SAGI), và GS. Trần Thanh Vân (Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, và ICISE).
Sự kiện nhật thực năm 1995 đã được biên soạn thành một cuốn sách đặc biệt có tựa đề “Ngày hai đêm – Nhật thực toàn phần 24-10-1995 quan sát được tại Việt Nam”, do GS. Trần Thanh Vân chủ biên, các tác giả là GS. Priscilla C. Frisch và TS. Nguyễn Trọng Hiền (lúc đó đang làm việc tại Đại học Chicago, Mỹ).
Không chỉ riêng về nhật thực ngày 24/10/1995, cuốn sách còn có thêm nhiều thông tin khoa học khác về Mặt Trời, bản chất của nhật thực, và cả “Những giai thoại lịch sử về nhật thực ở Việt Nam”. Bên cạnh đó cuốn sách cung cấp những thông tin vẫn còn nguyên giá trị cho những ai muốn quan sát nhật thực ngày nay, bao gồm hướng dẫn quan sát nhật thực an toàn với các dụng cụ đơn giản, dự đoán và chụp ảnh nhật thực.
Nhân dịp sự kiện nhật thực lai hiếm có sắp diễn ra tại Đông Timor, chúng tôi xin giới thiệu lại với độc giả cuốn sách này, có thể tải về theo link sau: http://ifirse.icise.vn/wp-content/uploads/2023/03/Nga%CC%80y-hai-de%CC%82m-1.pdf
Đoàn công tác của SAGI và ExploraScience Quy Nhơn sẽ có mặt tại Đông Timor vào ngày 20/4/2023 để ghi hình và theo dõi sự kiện này. Theo dự kiến, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi và đường truyền internet đủ tốt, đoàn công tác sẽ tổ chức tường thuật trực tiếp sự kiện này trên kênh facebook của ExploraScience Quy Nhơn và các kênh liên quan.
Thông tin chi tiết xin vui lòng xem tại trang web của SAGI: https://ifirse.icise.vn/2023/03/27/nhatthuc2023/